Cô Gái Được Học Bổng Harvard 7 Tỷ Phú Việt Nam

Cô Gái Được Học Bổng Harvard 7 Tỷ Phú Việt Nam

Ngôi nhà đầy ắp những bằng khen

Ngôi nhà đầy ắp những bằng khen

Thành quả cho những nỗ lực của người mẹ lao công

Cô Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1972, mẹ của Diệu Liên) gắn bó với nghề lao công ở Sài Gòn hơn 20 năm qua. Cô từng làm lao công ở nhiều trường Đại học trong nội thành và hiện đang làm ở ký túc xá Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ngôi nhà nhỏ chừng 17m2 của Liên nằm trên đường Mai Thị Lựu, quận 1. Phần sân trước nhà ngổn ngang những biển quảng cáo đang đóng dở, ba của Diệu Liên vẫn cần mẫn bên chiếc máy bắn vít để đóng tấm biển hiflex lên khung nhôm. Khó ai có thể tin được, cô tân sinh viên xuất sắc giành được học bổng 7 tỷ của Harvard, đã lớn lên từ một mái nhà nhỏ bé đơn sơ như thế này.

Tuy vậy, Liên không áp lực cũng chưa bao giờ tự ti về xuất phát điểm của mình. Bởi cô nàng tin rằng, những khó khăn trong quá khứ là yếu tố đã hình thành nên nhân cách và thành công của mình ngày hôm nay.

"Việc học tập cũng như tập thể dục, đa số mọi người cứ nghĩ là phải đến Trung tâm thể thao hay phòng tập gym với đầy đủ máy móc hiện đại thì mới tốt. Thật ra chúng ta vẫn có thể tập thể dục bằng cách chạy bộ, nhảy dây hay chạy xe đạp mà... Học cũng như vậy, có điều kiện thì tốt hơn, nhưng nếu mình thật sự muốn làm điều gì đó thì dù trong điều kiện nào cũng có thể thực hiện được", Liên chia sẻ trước khi lên đường sang Harvard.

Kể từ khi Liên nhập học Harvard, các thành viên trong gia đình đã gác lại những nhớ nhung để tiếp tục với công việc hàng ngày của mình. Và cô Lộc vẫn luôn như thế, sau khi kết thúc ca làm của mình, cô lại tất bật trở về nhà nấu cơm cho chồng và cô con gái nhỏ của mình.

Để Liên yên lòng ra đi mà không vương vấn gì, gia đình tự hứa với nhau sẽ không khóc. "Liên đi rồi sẽ về mà, biết lòng mình cũng nhớ nó lắm nhưng thôi, có khóc cũng về nhà mới khóc, lúc tiễn con thì cả nhà phải hứng khởi hết cỡ!", cô Lộc cười. 20 năm tảo tần nuôi con bằng nghề lao, công sức của cô Lộc cũng được đền đáp xứng đáng.

Bố mẹ Liên đều cho biết, sau 4 năm học tại Harvard, Liên có thể đưa ra quyết định ở lại hay về Việt Nam. Cô chú đều không can thiệp vào quyết định này. "Tôi tin là con gái luôn biết điều gì là tốt nhất cho bản thân nó", chú Dư, bố của Diệu Liên, chia sẻ.

Tuy nhiên như Liên đã nói, học bổng 7 tỷ, Harvard, trở thành du học sinh… tất cả những thứ đó không phải là đích đến, chưa từng là một thành công vang dội đáng để mình thỏa mãn, bởi chặng đường gian khó của Diệu Liên bây giờ mới thực sự bắt đầu. Nước Mỹ đang vào thu, sau những giờ học căng thẳng trên lớp, Liên vác theo chiếc máy ảnh mà mình dành dụm tiền để mua ở Việt trước đó, để đi chụp ảnh, Liên cũng tham gia câu lạc bộ Kiếm đạo Nhật Bản (Kendo), làm bài tập mỗi đêm, và một ngày cuối tuần thảnh thơi, Liên đã dành một ít quỹ thời gian quý báu của mình để chia sẻ với tôi về những ngày đầu tuyệt vời ở Harvard.

Và điều đầu tiên mà Liên chia sẻ đó là bạn rất nhớ những người thân, bạn bè nhưng "hiện tại mình cảm thấy nên dồn nhiều năng lượng vào việc hòa nhập với môi trường ở Mỹ hơn là cứ phải nhìn lại quá khứ để nhớ, để quẩn quanh với câu hỏi rằng "Có khi nào sẽ tốt hơn nếu mình ở lại Việt Nam hay không?".

"Bạn phải trải qua những khó khăn trong lĩnh vực nào đó để biết mình có yêu nó không"

Chào Diệu Liên, vậy là bạn đã trở thành tân sinh viên ĐH Harvard hơn 2 tháng rồi. Mọi thứ đều ổn chứ? Có thể chia sẻ một vài cảm xúc của bạn lúc này được không?

Mình thực sự rất hứng thú. Mình đang ở một nơi cách nửa vòng trái đất so với nơi mình đã sống bao nhiêu năm qua, và mình có cảm giác như được nhận lấy một cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới, tìm lại được những đam mê, sở thích mà mình chưa có thời gian theo đuổi khi còn ở Việt Nam.

Mình còn được trải nghiệm một hình thức học tập mới, ở Mỹ, đặc biệt là ở Harvard, sinh viên phải trải qua 3 học kỳ thì mới xác định chuyên ngành mà mình muốn theo đuổi. Vì vậy mình cảm giác rất tự do trong việc được chọn các khóa học khác nhau, mới lạ hơn để trải nghiệm mỗi lĩnh vực một ít. Dù trước đây mình luôn xác định sẽ theo ngành Khoa học kỹ thuật, nhưng theo quan điểm của mình thì: Bạn phải thật sự trải nghiệm những cái khó khăn nhất trong một lĩnh vực nào đó, thì bạn mới biết mình có yêu thích và đam mê nó như bạn vẫn nghĩ hay không.

Nói về việc tìm lại được những sở thích còn dang dở khi ở Việt Nam, đó là những điều gì Liên nhỉ?

Hiện tại, nước Mỹ đang vào thu, mọi thứ trước mắt mình như một bức tranh được phủ vàng của sắc lá rơi, của màu nắng dịu nhẹ và của những người bạn đáng yêu từ Harvard. Vì thế mình luôn mang theo chiếc máy ảnh bên người để chắc rằng mình sẽ không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc đẹp đẽ nào trong thời gian này.

Nhiếp ảnh là đam mê cháy bỏng của mình lúc còn ở Việt Nam nên khi ở đây mình có dịp để "bùng cháy". Khi trở lại Việt Nam, mình sẽ truyền đạt nhiều câu chuyện hơn nữa qua các bức ảnh về… đồ ăn Việt.

Ở Harvard, mình không chỉ cắm đầu vào học mà còn được trải nghiệm những bộ môn rất mới. Ngày còn nhỏ, mình thích đọc các Manga của Nhật Bản và say mê với các truyện tranh về đề tài Kiếm đạo. Thật tuyệt khi ở Harvard cũng có một CLB Kendo để mình tham gia.

Nói về việc phải dồn nhiều năng lượng để hòa nhập với môi trường, có lẽ việc kết bạn ở Harvard cũng có không ít khó khăn?

Kết bạn ở đây rất khác so với ở Việt Nam nên với tính cách của mình thì việc tìm ra người hợp tính ở Việt Nam dễ hơn ở Mỹ nhiều (cười). Dù vậy mình vẫn đang có những người bạn rất tuyệt vời. Người ta thường nói về sinh viên Harvard như những con mọt sách, môi trường học hành thì cạnh tranh nhau, phân chia giai cấp trình độ học vấn… nhưng mình cảm thấy không phải như thế. Có những sở thích cá nhân giúp mình kết bạn nhanh hơn. Chẳng hạn vào đầu năm học, khi tham gia chương trình dã ngoại cho sinh viên năm nhất thì anh đội trưởng của nhóm mình rất thích nấu ăn, chụp ảnh, thích vẽ và mình cũng có những sở thích như vậy. Do đó khi trò chuyện và chia sẻ với nhau về những thứ cả hai đã trải qua, mình cảm thấy rất thú vị. Bây giờ anh ấy cũng là người bạn thân nhất với mình ở Harvard.

Những người bạn mình từng gặp, họ đều có nhiều tính cách thú vị và nhiều câu chuyện khá hay ho mà mình có thể học tập được.

Các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, dạy học mái ấm mà bạn từng tham gia ở Việt Nam giúp ích được gì trong quá trình học tập ở Harvard?

Học kỳ này mình đang thử sức ở một khóa học về điện tử và thiết kế mạch điện. Đây là khóa học có tốc độ đi bài nhanh và tốn rất nhiều thời gian vì vừa phải nghe bài giảng trên lớp, làm bài tập ở nhà, vừa phải vào phòng lab để thực hành những gì đã học. Nhưng như mình đã nói, khi đứng ở ngoài nhìn vào một lĩnh vực mới mẻ nào đó, người ta chỉ thấy sự thú vị, chỉ khi lao vào lĩnh vực đó và vấp phải những khó khăn, người ta mới biết mình có đi đúng đường hay không. Chọn một khóa học không phải điểm mạnh, học cùng các anh chị đa phần là sinh viên năm 2 năm 3, thì đó là một trải nghiệm rất thú vị.

Ở Harvard có tuần gọi là "Tuần mua sắm" để học sinh học thử các môn học xem có phù hợp hay không và có quyền tự ý chuyển khóa nếu cảm thấy không phù hợp. Trong tuần đó, mình cảm thấy đây sẽ là khóa học đem lại cho mình nhiều kiến thức bổ ích nhưng mình cũng rất phân vân. Đa phần những học sinh đăng ký lớp này là các anh chị năm 2, năm 3 hoặc chắc chắn sẽ theo mảng Kỹ thuật điện trong chuyên ngành. Bản thân mình lại xác định sẽ không theo hướng Kỹ thuật điện nên khá đắn đo việc có nên đăng ký hay không. Khi có những sinh viên bắt đầu bỏ lớp thì mình bắt đầu tự hỏi nếu không theo chuyên ngành này thì dành nhiều thời gian cho một khóa học không phải điểm mạnh có thực sự phù hợp hay không.

Có những bạn đã bỏ khóa học này rồi nhưng vì trước đó ở Việt Nam mình từng làm 1 đề tài kỹ thuật điện cơ khí nên mình cũng có ít nhiều kinh nghiệm. Mình nghĩ rằng dù có những khó khăn nhưng những điều mình đã đạt được ở Việt Nam đã tạo động lực cho mình vượt qua.

Trên facebook cá nhân, Liên đã chia sẻ rất nhiều về quan niệm, kiến thức, cũng như những lời khuyên khá bổ ích cho những bạn trẻ đang nuôi giấc mơ Harvard. Bạn gọi việc làm đó là PAY IT FORWARD. Bạn có thể giải thích sâu hơn về điều này không?

Mình rất thích kiểu PAY IT FORWARD. Mình sẽ "pay" những gì mình nhận được cho những người cũng đang cần, có thể là tài nguyên, nguồn cảm hứng... như mình lúc trước.

PAY IT FORWARD là cách để nhân rộng sự tốt bụng của mọi người đến với những người khác. Sự lan tỏa này sẽ tăng lên theo hàng số mũ, rất nhanh và rất rộng.

Liên từng chia sẻ rằng khi ở Việt Nam, bạn luôn đi ngủ vào lúc 10h30 tối và thức dậy vào 5h30 mỗi sáng. Thời gian biểu này có thay đổi gì khi bạn ở Harvard không?

Bạn biết không, trong tờ đơn đăng ký Ký túc xá, mình có ghi thêm một ý đó là mình mong muốn được ở cùng phòng với những sinh viên phải có giờ ngủ sớm giống mình. Đôi lúc mình muốn thức khuya nhưng nhìn các bạn đã đi ngủ cả mình cảm thấy quyết tâm và thoải mái hơn về việc giữ vững thói quen của mình. Mọi người rất tốt, luôn chủ động giúp đỡ mình ngay cả khi mình chưa lên tiếng nhờ vả.

Do có nhiều bài tập nên hiện giờ mình lên giường vào khoảng 11 giờ, đảm bảo giấc ngủ phải trọn vẹn ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Mình cảm thấy việc quản lý sức khỏe của bản thân cũng rất quan trọng.

Đích đến của Diệu Liên sau Harvard sẽ là gì?

Mình vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu sẽ đi theo con đường như thế nào. Nhưng cụ thể thì mình vẫn chưa xác định đích đến cụ thể. Mình chỉ biết rằng: Dù đi theo con đường nào, thì điều mình làm chắc chắn sẽ luôn có ích cho mọi người.

Cảm ơn và chúc Diệu Liên sức khỏe, thành công trên con đường bạn đã chọn.

Thông tin Trần Thị Diệu Liên, cô gái 19 tuổi, cựu học sinh trường Lê Hồng Phong, TP.HCM, được Harvard cấp học bổng trị giá 302.920 USD cho 4 năm học đại học (tương đương 7 tỷ đồng) đã khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, ngưỡng mộ và khâm phục. Khi đến thăm nhà Diệu Liên, một căn nhà nhỏ tầm 20m2 nằm trên đường Mai Thị Lựu (Q.1), chúng tôi mới biết hóa ra gia đình đã nhận được thông tin này từ tháng 4/2016. Cả tuần nay khi thông tin Diệu Liên “tay không chinh phục Harvard” được tiết lộ trên một tờ báo thì cuộc sống gia đình Liên trở nên nhộn nhịp hẳn, nhiều người gọi điện chúc mừng còn báo chí thì liên tục đến tận nhà phỏng vấn.

Cả gia đình Diệu Liên có 4 người đang sống trong căn nhà xập xệ chưa đầy 20m2 trên đường Mai Thị Lựu

Clip cuộc sống giản dị của gia đình Liên căn nhà chật chội nhưng "ngập" đầy giấy khen. Hai mẹ con Liên chia sẻ cảm xúc sau khi nhận tin Liên đạt được học bổng từ Harvard trong

Dù hoàn cảnh của Diệu Liên rất khó khăn, gia đình cô hiện nằm trong diện cận nghèo của phường, nhưng bên trong ngôi nhà nhỏ chật chội ấy dường như luôn toát lên không khí của sự ấm áp và hạnh phúc. Niềm tự hào xen lẫn xúc động đong đầy ánh mắt của bố mẹ Liên khi hai người kể về cô con gái tài năng mỗi năm đem về treo trên tường nhà hàng loạt giấy khen. “Ngày nhận tin Liên đạt được học bổng từ Harvard, cả nhà tôi mừng lắm, mẹ nó mừng phát khóc luôn. Nhưng gia đình tôi vốn không thích khoe khoang, nhận được tin vui thì âm thầm mừng trong nhà thôi, không thổ lộ cho người ngoài biết”, chú Dư tâm sự. Phảng phất trong lời kể của chú Dư, chúng tôi nhìn thấy hình ảnh Diệu Liên qua bóng dáng của người bố: một người trầm tĩnh, khiêm nhường và luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

“Chiếc máy tính đầu tiên của tôi là quà của con gái”

Người cha có cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi, cũng là người gần gũi với Liên nhất trong nhà, đã xúc động chia sẻ câu chuyện gia đình ấm áp của mình:

"Tôi sinh năm 1964, quê gốc ở Thái Bình, vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1992. Đến năm 1995 tôi kết hôn với mẹ Liên (cô Nguyễn Thị Lộc, sinh năm 1972) và hai năm sau chúng tôi sinh Diệu Liên. Đến năm Liên lên 3 tuổi, bà ngoại cháu thương con cái khó khăn, chưa có nhà ở, nên cho hai vợ chồng tôi về ở nhờ. Căn nhà gia đình tôi đang ở xưa kia là cái chuồng heo của bà ngoại, khi ông ngoại mất rồi, nhà không nuôi heo nữa thì chuyển sang làm kho chứa củi. Tôi mua mấy tấm tôn lợp lên thành mái nhà để che mưa nắng, mua gạch bông cũ về lát lại nền nhà xi măng cho căn nhà sáng sủa hơn.

Diệu Liên và mẹ, cô Nguyễn Thị Lộc.

Cô Lộc có 20 năm làm nghề lao công, hiện đang làm lao công ở KTX ĐH Kinh tế TP.HCM. Sau giờ làm, như bao phụ nữ khác, cô lại vào bếp lo cho bữa ăn cả gia đình.

Tôi làm nghề thiết kế biển quảng cáo, công việc mang tính thời vụ, thu nhập không ổn định, còn mẹ nó thì làm nghề lao công ở các trường học, thu nhập cũng thấp, cuộc sống gia đình hồi ấy vất vả lắm. Khi sinh thêm Quỳnh (em Liên), nhà có hai con nhỏ, đôi khi vợ chồng tôi cũng thấy áp lực, cứ lo làm sao cho có đủ tiền ăn, tiền sinh hoạt và sách vở để hai con đi học. À mà vở thì không lo, vì từ nhỏ Liên học giỏi, năm nào cũng được thưởng, vở nhiều lắm đến giờ xài chưa hết nữa.

Căn nhà của Liên tuy nhỏ nhưng dán đầy giấy khen, bằng khen, hầu hết của Liên khiến ai vào nhà cũng có phần "choáng ngợp". Chú Dư và cô Lộc đầy tự hào khi nói  thành tích của Liên, hai người có thể kể lại  chi tiết tiểu sử của từng chiếc giấy khen của con gái.

Em Liên từ hồi học mẫu giáo đã đạt bé khỏe bé ngoan, suốt từ năm lớp 1 đến năm 12, năm nào cũng là học sinh giỏi, đoạt được nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen đem về dán khắp nhà. Liên cũng vẽ giỏi nữa, chắc là do di truyền từ tôi. Tôi còn nhớ hồi xưa khi chưa có máy cắt decal, máy in, tôi phải làm toàn bộ công việc thiết kế biển quảng cáo bằng tay hết. Hồi ấy tôi cứ ước sẽ có một chiếc máy tính để công việc thuận lợi hơn nhưng làm gì có tiền mua. Năm Liên học lớp 5, em được tham gia một buổi giao lưu nhân dịp thần đồng nước Mỹ sang thăm Việt Nam và được chương trình tặng một chiếc máy tính, đến giờ vẫn còn trong nhà nè. Từ đó hai cha con có máy tính để dùng. Tôi tự mày mò học thiết kế qua máy tính dưới sự giúp đỡ của con gái. Liên cũng có khiếu công nghệ thông tin, toàn bộ những thông tin trong phần mềm Photoshop, Corel là con gái dạy tôi, công việc thiết kế biển quảng cáo từ đó cũng thuận lợi và khá hơn trước.

Chú Dư hiện làm nghề thiết kế biển quảng cáo. Chú Dư cho biết chú tự mày mò học thiết kế quảng cáo trên máy tính nhờ chiếc máy tính đầu tiên là quà thưởng của con gái.

“Tôi có định hướng cho con nhưng luôn để con tự quyết định cuộc đời của mình”

Vì mẹ nó đi làm suốt từ sáng đến tối, nên tôi cũng giống như mẹ của hai con, lo cho con từ ăn uống, tắm rửa, đến chuyện học hành của con tôi đều nắm rất rõ. Ngày biết tin con gái đậu vào chuyên Sinh trường Năng khiếu tôi mừng lắm. Nếu học chuyên Sinh, thì chắc chắn sẽ đậu trường Dược, tôi chỉ nghĩ đơn giản là học Dược sau này con sẽ dễ xin việc làm. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ tôi không nói ra vì sợ ảnh hưởng đến lựa chọn của con. Mỗi luồng tư tưởng con người khác nhau, tôi suy nghĩ thế này, có khi con gái lại có suy nghĩ khác, nên để con chọn thì sẽ sát với nguyện vọng của con hơn. Sau đó thì Liên chọn học chuyên Anh trường Lê Hồng Phong, tôi cũng ủng hộ. Tôi luôn muốn con tự quyết định cuộc sống của mình.

Chú Trần Văn Dư đã dạy cho con gái tự lập từ bé.

Chú Dư cho biết, dù không nói ra nhưng chú luôn muốn con gái mình sẽ đi du học.

Liên chưa bao giờ tự ti về xuất thân của mình cũng như chưa bao giờ mặc cảm mẹ mình làm nghề lao công. Thậm chí Liên còn cảm thấy vui vì dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cô vẫn phấn đầu để vào học trường chuyên, lớp chọn và đạt được nhiều thành tích trong học tập khiến bố mẹ tự hào.

Có chuyện gì Liên cũng tâm sự với bố, nên mọi chuyện buồn vui trong quá trình săn học bổng du học, tôi đều biết hết. Quả thật, tôi rất hy vọng hồi Liên dự thi học bổng A*Star của chính phủ Singapore vì tôi biết Liên học không thua kém gì các bạn thi cùng đợt đó, chỉ không biết vào vòng phỏng vấn con khúc mắc ở điểm nào nên bị trượt. Tôi buồn nhưng không nói ra, chỉ động viên con “Thua keo này ta bày keo khác”. Sau A*Star tôi biết thêm học bổng NUS của Singapore, họ cho sinh viên vay tiền học, sau khi học xong 3 năm sẽ làm trả nợ, tôi cũng chỉ hy vọng Liên đoạt học bổng NUS chứ chưa dám nghĩ đến học bổng toàn phần đâu.

Thế nên khi con gái thông báo mình nhận được học bổng toàn phần từ ĐH Harvard (Mỹ), tôi mừng lắm. Lúc ấy tôi còn chưa biết ĐH Harvard hay Oxford gì đó nằm trong những trường đại học hàng đầu thế giới, sau này mới lên mạng tìm hiểu mới biết Harvard là một trong những trường đại học danh giá, nơi sản sinh nhiều người xuất chúng của thế giới. Còn nhớ ngày Liên nhận tin từ Harvard trúng ngay ngày Cá tháng Tư, con gái còn tưởng đấy là tin đùa, không dám nói với bố nữa. Khi biết tin này chính xác là thực, cả nhà mừng đến rớt nước mắt.

Cả đời tôi có 2 ước mơ, đó là có căn nhà của riêng mình, Liên và Quỳnh đều được đi du học. Cả đời vợ chồng tôi đã sống trong cảnh nghèo khó, tôi chỉ mong con mình đi du học để thoát khỏi cái nghèo. Khi Liên đã được vào đại học Harvard xem như 1/3 tâm nguyện đời tôi đã được hoàn thành".

Như mọi ngày, Liên đều đi học đến 8h tối mới về.

Vì thế, bữa ăn của gia đình thường bắt đầu khá trễ.

Sau bữa ăn, Liên thường tranh thủ đọc sách, học bài...

Hoặc tự ôm đàn nghêu ngao hát. Ngoài học giỏi, Liên con biết nhiều môn võ thuật như karate, judo.

Liên cũng có khiếu vẽ di truyền từ bố. Những bài vẽ năm học cấp 2 của Liên được thầy giáo giữ lại làm mẫu cho các bạn. Trong đời thường, Liên thường vẽ tranh dành tặng sinh nhật bạn bè. (Ảnh: NNCC)

Những bức chân dung Liên vẽ thường là những người bạn đặc biệt đã đồng hành trong cuộc sống của cô (Ảnh: NVCC).

Trần Thị Diệu Liên là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Suốt 12 năm học, Liên bộc lộ năng khiếu ở nhiều lĩnh vực, ngoài thành tích học sinh giỏi, Diệu Liên còn đạt nhiều huy chương thể thao ở các môn karatedo, judo, bóng chuyền, bóng đá... Từ những năm cuối cấp 2, Liên theo đuổi lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đạt được một số thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc: đạt Giải Tư Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) và Giải Ba Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 với đề tài "Bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị".

Vì thành tích nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, Diệu Liên được tuyển thẳng vào một trường Đại học ở Sài Gòn năm 2015 nhưng Liên quyết định bảo lưu việc học một học kỳ để theo đuổi những việc mình thích. Không bỏ cuộc từ lần trượt học bổng du học lần đầu tiên, suốt 5 năm nay Diệu Liên không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi tiếng Anh để tiếp tục săn học bổng du học và cuối cùng Liên đã thành công khi tháng 4/2016 ĐH Harvard đã gọi tên Liên.